Lượt xem: 333

Phát triển ngành tôm bền vững trong tình hình mới

Sáng ngày 27/11, Cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi. Đồng chủ trì hội thảo có các đồng chí: Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

 


Đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại buổi hội thảo 

 

    Trong năm 2023, diện tích thả nuôi tôm cả nước ước đạt 737.000 ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khả năng đạt trên 3 tỷ USD. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 52.323,9 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 200.000 tấn, tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi được khống chế ở mức dưới 4,4%, tôm tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD. Với kết quả trên, ngành tôm cả nước và của tỉnh vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu về kế hoạch diện tích và sản lượng. Dù vậy, thách thức đặt ra là giá tôm thương phẩm vẫn còn nhiều biến động, chi phí sản xuất tăng cao, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp ở từng thời điểm.

    Trên cơ sở những nhận định về cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành tôm trong thời gian tới, chuyên gia đến từ các viện, trường đã cùng tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để ngành tôm trụ vững trước tác động nhiều mặt về giá thành sản xuất, tình hình thị trường và những rủi ro về một số dịch bệnh nguy hiểm. Một số mô hình nuôi hiệu quả có khả năng nhân rộng cũng đã được các hợp tác xã, hộ nuôi tôm chia sẻ thẳng thắn tại hội thảo. Ngoài các vấn đề kỹ thuật cần lưu ý trong khâu nuôi, nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đã chỉ rõ xu hướng thị trường và những cơ hội mà ngành tôm Việt Nam có thể tận dụng để biến “nguy” thành “cơ”, tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu đối với một số nước đang chiếm nhiều ưu thế.

    Theo đồng chí Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, để phát triển ngành tôm bền vững trong tình hình mới; đòi hỏi các tỉnh, thành cần thiết lập lại toàn bộ chuỗi sản xuất, cả ở khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu. Tập trung nghiên cứu, khuyến khích người nuôi tiếp cận khoa học công nghệ tiến bộ, những quy trình nuôi cải tiến có khả năng phòng, ngừa tốt rủi ro dịch bệnh, cải thiện chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi,... Trong đó, tăng cường chuỗi liên kết ngành hàng được xem là giải pháp “sống còn” mà các tỉnh cần đặc biệt chú trọng để tạo sự gắn kết giữa các mắt xích, tạo tiền để phát triển ngành tôm theo định hướng thị trường, giảm giá thành và nâng cao giá trị lợi nhuận.

    Hội thảo tham vấn quy mô với sự tham gia của những chuyên gia đến từ các viện, trường; những công ty cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã nuôi tôm tiêu biểu của tỉnh và các tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm được tổ chức vào giai đoạn cuối vụ nuôi, được xem là dịp để ngành tôm Sóc Trăng đánh giá một cách toàn diện những mặt được và chưa được trong vụ sản xuất vừa qua. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất bài bản, hiệu quả hơn cho vụ nuôi của năm 2024 trên cơ sở những giải pháp khả thi đã được gợi mở.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 7191
  • Trong tuần: 77,898
  • Tất cả: 11,801,218